Lịch sử Liên_Hòa,_Kim_Thành

Theo bi ký, gia phả và thư tịch của một số dòng họ còn lưu lại, ngay từ thế kỷ thứ VII mảnh đất này đã có người cư trú, đầu tiên là dòng họ Hoàng, theo thời gian các dòng họ khác như Đồng (同), Trần, Vũ, Lê,... cũng tới khai hoang lập nghiệp.

Là vùng đất cổ, tiếp ngay sông lớn thuận tiện giao thông đi các ngả, lại thêm ruộng đồng màu mỡ, địa hình bằng phẳng, cận chốn hiểm yếu giáp nơi quan phòng, sử sách còn ghi, khi trong nước chính trị nhiễu loạn, binh biến xảy ra nhiều vua quan, binh tướng từng về đây lánh nạn, hưng binh, nhiều nhất nhất là nhà Mạc. Trước năm Gia Long thứ nhất (1802), Liên Hòa khi đó tên là Hoàng Xá (黄舍) đã được chọn là lị sở (trung tâm hành chính) của huyện Kim Thành. Sau năm 1802, trung tâm hành chính của huyện Kim Thành mới được chuyển từ Hoàng Xá đến xã Phú Thái (nay là thị trấn Phú Thái) như ngày nay[2].

Cũng như nhiều làng quê Bắc Bộ khác, trong thời kỳ phong kiến và thực dân nửa phong kiến, đơn vị cấp xã chưa được thiết lập, xã Liên Hòa gồm có 4 làng đều thuộc tổng Phí Gia, lớn nhất là làng cổ Hoàng Xá (làng Vàng) nay được tách ra làm 2 thôn Bắc Thắng và Hưng Hoà, làng Cao Ngô (làng Buộm), cùng với 2 làng Trung Hạng và Lạc Thiện nay hợp lại thành thôn Đồng Hạ.

Liên Hòa năm 1907

Năm 1945, theo sự chỉ đạo của Ủy ban Cách mạng lâm thời huyện Kim Thành cùng với sự thống nhất của các cụ bô lão họp tại đình Hoàng Xá, 4 làng hợp nhất thành một đơn vị hành chính mới với tên gọi là xã Liên Hòa. Tên này được sử dụng chính thức cho tới tận ngày nay.

Bản đồ có chứa Liên Hòa (Hoàng Xá) năm 1891

Trước Cách mạng Tháng Tám, thực dân Pháp nhiều lần kéo tới truy lùng Việt Minh, bắt lính bắt phu, càn quét, cướp bóc.

Năm 1951, dưới sự chỉ đạo của mặt trận Việt Minh một trận đánh du kích lớn đã diễn ra tại nhiều nơi trong xã, tiêu diệt được lượng lớn lính viễn chinh Pháp. Thắng lợi lớn nhất phải kể tới trận “gọng kìm” cuối cùng tại khu vực gọi là Trại Mía (nằm trong khoảng giữa chùa Vàng, làng Cao Ngô và làng Phong Nội xã Bình Dân). Trận Trại Mía đã trở thành biểu tượng bất khuất chống giặc ngoại xâm hiện đại của nhân dân Liên Hòa. Hiện nay chính quyền đã cho xây dựng tạm một tấm biển để chỉ cho thế hệ trẻ hiểu hơn về lịch sử cha ông quê hương mình.

Những năm 1999-2000, xã Liên Hòa xảy ra một biến cố lớn về chính trị-trật tự xã hội liên quan tới ruộng đất và chống tham nhũng. Đã có những hành động quá khích của người dân địa phương diễn ra dài ngày khiến cho chính quyền xã phải đóng cửa một thời gian.

Đầu năm 2021, do ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid 19, xã Liên Hòa cũng như nhiều địa phương khác trong tỉnh Hải Dương đã tiến hành tự cách ly xã hội đối với các xã xung quanh.Những con đường chính được kiểm soát nghiêm ngặt. Các hoạt động đời thường như đi chợ, làm đồng,...được phân bổ rất hợp lý đến từng gia đình. Nhờ vậy, đến cuối tháng 3, xã Liên Hòa đã được dỡ bỏ cách ly xã hội. Người dân lại được trở lại cuộc sống bình thường.